Winston is a highly experienced digital marketing professional, specializing in Cybersecurity, IT services, and Software as a Service (SaaS). @#@ Tôi là một technical writer trong lĩnh vực bảo mật, dịch vụ CNTT và phát triển phần mềm.
Bảo mật tài khoản ngân hàng không khó nếu bạn biết cách. Cùng tìm hiểu và tự bảo vệ tài khoản của bạn ngay hôm nay!
Bạn có thể cài Face ID cho điện thoại, khoá app bằng vân tay nhưng chỉ cần một lần sơ suất click vào link giả hay cung cấp mã OTP cho người lạ, toàn bộ số dư trong tài khoản có thể bốc hơi chỉ trong vài phút.
Từ năm 2023 đến đầu 2025, hàng nghìn người dùng Việt đã bị đánh cắp tài khoản ngân hàng với thủ đoạn ngày càng tinh vi: giả mạo công an, lừa nhận tiền hoàn thuế, tin nhắn giả ngân hàng, hay thậm chí cả ứng dụng ngân hàng nhái tràn lan trên mạng.
Câu hỏi đặt ra là:
Làm sao để nhận biết rủi ro và bảo vệ tài khoản ngân hàng một cách hiệu quả dù không phải là chuyên gia công nghệ?
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách nhận diện các mối nguy phổ biến, dấu hiệu tài khoản ngân hàng bị hack, và các biện pháp phòng tránh thực tế đơn giản, dễ hiểu, ai cũng áp dụng được.
7 lỗi phổ biến khiến tài khoản ngân hàng bị xâm nhập
1. Click vào đường link giả mạo ngân hàng (phishing)
Bạn nhận được tin nhắn SMS từ số lạ với nội dung: “Tài khoản của bạn có giao dịch bất thường. Vui lòng truy cập vcb-check.info để xác nhận”. Link nhìn như thật, nhưng thực chất là một trang web giả mạo.
Bạn click vào, nhập tên đăng nhập + mật khẩu + OTP → hacker có đủ thông tin để rút sạch tiền ngay sau đó.
2. Bị lừa cung cấp mã OTP qua cuộc gọi giả danh
Thủ đoạn phổ biến: giả danh công an, nhân viên ngân hàng gọi đến dọa nạt bạn vi phạm pháp luật hoặc tài khoản bị hack. Mục đích: ép bạn đọc mã OTP hoặc mã xác thực Smart OTP**.**
OTP = chìa khóa cuối cùng để mở két.
3. Tải app ngân hàng giả từ link bên ngoài
Thay vì vào App Store hoặc Google Play, nhiều người tải app từ link lạ trên Zalo, Facebook hoặc các web không rõ nguồn gốc. Kết quả: cài nhầm app giả mạo chứa malware hoặc keylogger.
4. Dùng mật khẩu yếu, trùng lặp
“Mật khẩu123”, “tencon123”, ngày sinh là những loại mật khẩu hacker có thể dò trong vài giây bằng từ điển tấn công (dictionary attack). Nếu bạn dùng một mật khẩu cho nhiều app (mail, ngân hàng, Facebook) thì chỉ một lỗ hổng, hacker có khả năng sẽ truy cập được tất cả tài khoản cá nhân của bạn.
5. Thiết bị bị nhiễm mã độc
Dùng điện thoại Android đã root hoặc máy tính tải phần mềm crack có thể khiến hacker dễ cài mã độc giám sát. Họ có thể ghi lại thao tác bàn phím (keylogging), theo dõi hành vi, thậm chí điều khiển máy từ xa.
Nếu bạn đang sử dụng thiết bị Android, hãy đọc bài viết Cách bảo mật điện thoại Android để có thêm kiến thức về bảo mật điện thoại của mình.
6. Dùng wifi công cộng khi giao dịch ngân hàng
Quán cà phê, sân bay, khách sạn là những nơi mà wifi có thể bị chặn giữa (man-in-the-middle). Nếu bạn đăng nhập tài khoản ngân hàng trên kết nối này, hacker có thể dễ dàng đánh cắp thông tin.
7. Không khóa SIM nếu mất điện thoại
Rất nhiều người quên mất rằng: mã OTP thường gửi về số điện thoại. Nếu bị mất máy và không kịp khóa SIM, hacker có thể lấy lại mật khẩu, đổi OTP, và chiếm toàn bộ tài khoản trong vòng 15 phút.
11 cách bảo mật tài khoản ngân hàng bạn nên áp dụng
1. Kích hoạt xác thực 2 lớp (2FA/OTP) cho tài khoản ngân hàng
Đây là bức tường đầu tiên ngăn chặn kẻ gian. Hầu hết ngân hàng tại Việt Nam hiện hỗ trợ Smart OTP hoặc SMS OTP để xác nhận mỗi giao dịch. Nếu bạn chưa bật, hãy làm ngay lập tức trên app ngân hàng.
Lưu ý: Ưu tiên Smart OTP nội bộ (tạo mã trong ứng dụng) thay vì SMS OTP, vì SMS có thể bị đánh cắp qua sim rác hoặc lỗ hổng mạng viễn thông.
2. Không cung cấp OTP/Mã xác minh cho bất kỳ ai
Dù là người gọi tự xưng công an, nhân viên ngân hàng, hay thậm chí là “bạn bè nhờ mượn tài khoản”… tuyệt đối KHÔNG đọc OTP qua điện thoại hoặc chat. Không có nhân viên ngân hàng nào cần OTP của bạn để “hỗ trợ”.
3. Tạo mật khẩu mạnh, độc nhất cho tài khoản ngân hàng
Mật khẩu nên có tối thiểu 10 ký tự, gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Tuyệt đối không dùng lại mật khẩu từ email, Facebook, Zalo…
4. Không click vào link lạ gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội
Kể cả khi nó trông “rất giống thật” như: vcb-check.com
, bidv-support.info
… Thực tế là hacker rất giỏi tạo domain gần giống domain thật để đánh lừa bạn.
Cách kiểm tra nhanh:
- Đừng vội click, hãy google domain chính thức của ngân hàng bạn đang dùng.
- Nếu nghi ngờ → nhập trực tiếp địa chỉ web chính thức vào trình duyệt, đừng click link.
5. Chỉ tải ứng dụng ngân hàng từ kho chính thống
App ngân hàng thật chỉ có mặt trên App Store (iOS) hoặc Google Play (Android). Tuyệt đối không cài app qua file .apk
, link lạ hoặc chia sẻ trong group Zalo/Telegram.
6. Dùng email, số điện thoại riêng cho tài khoản ngân hàng
Không nên dùng email/số điện thoại đã công khai trên các mạng xã hội hoặc website cho tài khoản ngân hàng. Hacker có thể dễ dàng tìm và sử dụng các thông tin đó để:
- Gửi phishing email giả mạo ngân hàng
- Gọi lừa đảo từ tổng đài ảo
- Reset mật khẩu tài khoản qua email/phone
7. Kiểm tra lịch sử đăng nhập, thông báo giao dịch thường xuyên
Hầu hết các ngân hàng hiện nay cho phép bạn kiểm tra hoạt động đăng nhập gần đây, các phiên sử dụng bất thường và các giao dịch mới nhất.
Thói quen cần có:
- Mỗi tuần kiểm tra 1 lần lịch sử giao dịch
- Luôn bật thông báo biến động số dư và thông báo push từ ứng dụng
8. Không giao dịch tài chính khi đang dùng Wi-Fi công cộng
Dù là Wi-Fi miễn phí ở quán café, sân bay hay trung tâm thương mại, hãy tránh tuyệt đối các thao tác như:
- Đăng nhập tài khoản ngân hàng
- Giao dịch chuyển tiền
- Nhập mã OTP
Thay vào đó: Dùng 4G/5G cá nhân hoặc VPN nếu buộc phải kết nối.
9. Tự khoá thẻ hoặc tài khoản nếu nghi ngờ có vấn đề
Nếu bạn vừa bấm nhầm vào link lạ, nhận cuộc gọi lạ, hoặc nghi ngờ có ai đó biết mật khẩu tài khoản của mình, hãy khóa tài khoản hoặc thẻ ngay lập tức.
Không nên “chờ thêm vài phút xem sao”. Hacker không chờ bạn suy nghĩ đâu.
10. Thông báo cho ngân hàng và báo công an khi nghi bị lừa
Nếu bạn lỡ cung cấp thông tin hoặc mất tiền, việc đầu tiên là:
- Gọi đến tổng đài ngân hàng để yêu cầu khóa giao dịch
- Lập tức báo công an hoặc gửi phản ánh tới Cục An toàn thông tin (VNCERT/CC) để xác lập vụ việc
11. Cập nhật thường xuyên kiến thức về lừa đảo ngân hàng
Các hình thức lừa đảo thay đổi liên tục. Đừng nghĩ chỉ người lớn tuổi, ít hiểu công nghệ mới bị lừa ngay cả chuyên viên văn phòng, người trẻ cũng dính trap thường xuyên.
Bạn có thể theo dõi:
- Blog chính thức của ngân hàng
- Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (https://canhbao.ncsc.gov.vn/)
- Blog của Locker (https://locker.io/vi/blog)
Nếu bạn là người thường xuyên quản lý nhiều tài khoản hoặc thường xuyên gặp tình trạng quên mật khẩu, hãy cân nhắc dùng Locker Password Manager để tránh bị mất quyền truy cập và giảm thiểu nguy cơ bị hack tài khoản ngân hàng.
Nên làm gì khi nghi ngờ bị hack tài khoản ngân hàng?
Ngay cả khi chưa mất tiền, chỉ cần bạn nghi ngờ có điều bất thường xảy ra với tài khoản ngân hàng của mình, hãy hành động ngay. Đừng chần chừ.
Dưới đây là 6 bước khẩn cấp cần thực hiện càng sớm càng tốt:
1. Khoá ngay tài khoản/thẻ ngân hàng
Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều có tính năng khoá tài khoản hoặc khoá thẻ tạm thời trực tiếp trên app. Nếu không có, hãy gọi tổng đài CSKH của ngân hàng để yêu cầu khoá khẩn cấp.
Lưu ý:
- Nên ghi sẵn số hotline ngân hàng vào điện thoại
- Thực hiện càng sớm càng tốt để tránh hacker rút hết tiền
2. Đổi mật khẩu đăng nhập và mã PIN
Ngay sau khi khoá được tài khoản, việc tiếp theo là:
- Đổi mật khẩu đăng nhập Internet Banking
- Đổi mã PIN của thẻ ATM
- Đổi mật khẩu email liên kết (nếu hacker có thể dùng email để reset)
Nếu bạn dùng chung mật khẩu này cho nhiều tài khoản khác → đổi toàn bộ mật khẩu, không sử dụng mật khẩu trùng lặp (sử dụng password manager để lưu trữ và ghi nhớ mất khẩu).
3. Kiểm tra lịch sử giao dịch ngay lập tức
Xem lại các giao dịch gần đây để xác định:
- Có giao dịch nào bất thường không?
- Có lệnh chuyển tiền, mua sắm online lạ không?
Gợi ý:
- Nếu có giao dịch bất thường → chụp màn hình, lưu lại lịch sử, chuẩn bị làm bằng chứng khi báo ngân hàng & công an.
4. Báo ngay cho ngân hàng để xác lập sự cố
Hãy liên hệ trực tiếp tổng đài CSKH của ngân hàng bạn sử dụng (gọi từ số đã đăng ký trước đó để xác minh nhanh hơn).
Yêu cầu:
- Khóa hoàn toàn tài khoản nếu chưa thực hiện ở Bước 1
- Xác minh lại lịch sử hoạt động đăng nhập gần đây
- Yêu cầu ghi nhận sự cố để xử lý & hoàn tiền (nếu đủ điều kiện)
5. Báo cáo với cơ quan chức năng
Nếu xác định đã bị chiếm quyền & mất tiền, bạn cần lập biên bản tại công an phường/xã nơi cư trú. Đồng thời:
- Gửi phản ánh đến Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia: https://canhbao.ncsc.gov.vn
- Với các ngân hàng lớn, bạn có thể yêu cầu họ hỗ trợ truy vết tài khoản nhận tiền (nếu có)
Mục tiêu: xác định nghi phạm, yêu cầu ngân hàng phong toả dòng tiền trước khi bị rút sạch.
6. Củng cố bảo mật cho toàn bộ hệ thống cá nhân
Sau sự cố, đừng chỉ dừng lại ở việc lấy lại tiền. Hãy kiểm tra toàn bộ các tài khoản liên quan như:
- Email chính & phụ
- App tài chính (Momo, Zalopay, ShopeePay…)
- Mạng xã hội có liên kết ngân hàng
Đồng thời:
- Cài phần mềm diệt virus nếu bạn từng bấm vào link độc
- Reset thiết bị nếu nghi điện thoại/máy tính bị cài keylogger
Gợi ý công cụ nên cài sau khi khôi phục bảo mật:
- Locker Password Manager: Tạo và lưu mật khẩu mạnh, không lo bị trùng hay dễ đoán
- uBlock Origin hoặc Bitdefender TrafficLight: Chặn website lừa đảo, mã độc
Bảo mật tốt không chỉ là trách nhiệm cá nhân, mà còn là cách bạn bảo vệ tài sản, danh tính và cả tương lai số của chính mình.
Bài viết cùng chủ đề: