Marketing Executive @CyStack
Với sự phổ biến của trộm cắp danh tính và vi phạm bảo mật như hiện nay, rõ ràng là bảo mật đòi hỏi các phương thức xác thực mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, biometric – một công nghệ sử dụng các thuộc tính vật lý hay các mẫu hành vi, đặc điểm sinh học đặc trưng như dấu vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói, dáng đi,… để nhận diện một người đang là phương pháp được chú ý hơn cả. Vậy cụ thể biometric là gì và tại sao bảo mật biometric lại là tương lai của xác thực, cùng Locker tìm hiểu trong nội dung dưới đây!
Biometric là gì?
Biometric (tiếng Việt có thể dịch là “sinh trắc học”) là phương pháp sử dụng các đặc điểm sinh trắc học độc nhất của con người để xác định, nhận dạng và xác thực danh tính.
Cụ thể, biometric là thuật ngữ từ Hy Lạp được tạo thành từ “bio” – nghĩa là “cuộc sống” và “metric” – nghĩa là “thước đo”. Vì vậy biometric mang hàm ý là thước đo các đặc điểm sinh học của mỗi người. Từ dấu vân tay, các đường nét trên khuôn mặt cho đến dáng đi, không có hai người nào trên thế giới có thể có sinh trắc học giống nhau, thậm chí là cả những cặp sinh đôi.
Tính độc đáo và riêng biệt này đã làm cho biometric trở thành phương tiện đáng tin cậy để nhận dạng một người, vì so với mật khẩu hay mã pin, các đặc điểm sinh học thường rất khó để giả mạo và sao chép.
Bên cạnh đó, bảo mật sinh trắc học cũng đem đến sự nhanh chóng và thuận tiện cao. Với công nghệ này, người dùng sẽ không còn phải ghi nhớ các chuỗi pin hay mật khẩu phức tạp. Và không giống như mật khẩu hay các thông báo mã xác thực, họ cũng không thể quên hay làm thất lạc sinh trắc học của mình.
Quan trọng nhất là, khác với các hệ thống được bảo mật bằng mật khẩu, sẽ thực sự khó để hack một hệ thống được bảo vệ bởi sinh trắc học.
Các phương pháp bảo mật biometric hiện nay bao gồm: mã hóa, xác thực và xác minh người dùng. Trong đó: Mã hóa dữ liệu là quá trình biến đổi thông tin gốc thành dạng khó đọc để ngăn chặn việc truy cập trái phép vào thông tin. Còn xác thực là quá trình xác định người dùng đúng là ai. Và xác minh là quá trình xác định xem người dùng có phải là người được ủy quyền hay không.
Công nghệ bảo mật sinh trắc học có thể được sử dụng để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh, thương mại, y tế, chính phủ, tài chính,… Ví dụ, công nghệ này có thể được sử dụng để đảm bảo tính bảo mật của thông tin y tế của bệnh nhân, xác thực đăng nhập vào các tài khoản trực tuyến, kiểm soát truy cập vào các khu vực nhạy cảm,…
Xem thêm: MFA là gì? Tầm quan trọng của MFA trong bảo mật
Tại sao biometric lại quan trọng trong bảo mật?
Biometric đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo mật danh tính kỹ thuật số ngày nay với nhiều lý do như:
- Biometric có độ chính xác cao: Biometric là phương pháp đo lường và phân tích các đặc điểm về hành vi và thể chất của con người. Để xác định một người, biometric sẽ đối chiếu các số đo, đặc điểm với các dữ liệu đã được lưu trữ trước đó. Tuy nhiên, các thuộc tính sinh trắc học cá nhân của mỗi người là duy nhất và hầu như không thể giả mạo hoặc tái tạo. Điều này đã giúp sinh trắc học trở thành một công nghệ nhận dạng có độ chính xác, an toàn cao và loại bỏ được nhiều rủi ro từ việc sử dụng mật khẩu.
- Biometric giúp chống gian lận: Có thể nói, các hệ thống sinh trắc học hiện đại là cơn ác mộng của tin tặc và những kẻ tấn công mạng, bởi những hệ thống này được xây dựng với các biện pháp phòng ngừa nếu dữ liệu sinh trắc học bị xâm phạm hoặc bị đánh cắp. Chẳng hạn, một dấu vân tay khi bị đánh cắp sẽ trở nên vô dụng vì hệ thống sẽ kiểm tra cả nhiệt độ và mạch cơ thể. Ngoài ra, xác thực bằng sinh trắc học cũng ngăn kẻ gian tạo ra nhiều danh tính kỹ thuật số giả.
- Biometric đem đến sự nhanh chóng và tiện lợi: Hầu hết các hệ thống sinh trắc học đều được xây dựng nhằm mang đến trải nghiệm xác thực nhanh chóng và tiện lợi hơn. Thay vì phải nhớ mật khẩu hay mang theo thẻ từ, người dùng có thể dùng các đặc điểm sinh trắc học để xác thực một cách nhanh chóng. Điều này giúp giảm thiểu các rủi ro an ninh liên quan đến việc sử dụng mật khẩu yếu hoặc thẻ từ bị mất.
Vậy công nghệ sinh trắc học đã hoạt động như thế nào để đem đến những lợi ích lớn về bảo mật như vậy?
Biometric hoạt động như thế nào?
Sinh trắc học hoạt động dựa trên việc sử dụng các đặc điểm sinh lý hoặc hành vi độc nhất của mỗi cá nhân để xác định và xác thực danh tính của họ. Các hệ thống sinh trắc học thường hoạt động với quy trình sau:
- Thu thập dữ liệu: Các hệ thống sinh trắc học sẽ tiến hành thu thập các đặc điểm không thay đổi theo thời gian của một người như: dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt, mẫu mống mắt, giọng nói, hình dáng của bàn tay hay các đặc tính sinh lý khác.
- Chuyển đổi dữ liệu: Sau khi thu thập, dữ liệu sinh trắc sẽ được chuyển đổi thành các đặc trưng số học, ví dụ như một dãy số hoặc một bản tóm tắt của vân tay. Quá trình chuyển đổi này thường gọi là quá trình mã hóa.
- Lưu trữ dữ liệu: Các đặc trưng được tạo ra từ dữ liệu sinh trắc học của người dùng sẽ được lưu trữ trên hệ thống hoặc thiết bị của họ và được sử dụng để xác thực danh tính của họ trong các lần truy cập sau.
- Xác thực danh tính: Khi người dùng muốn truy cập hệ thống, họ sẽ cung cấp thông tin về đặc điểm sinh trắc học của mình. Hệ thống sẽ so sánh, đối chiếu thông tin này với các đặc trưng đã lưu trữ để xác định xem người dùng có quyền truy cập hay không.
- Kết quả xác thực: Nếu thông tin sinh trắc được cung cấp khớp với dữ liệu đã lưu trữ, hệ thống sẽ cho phép người dùng truy cập vào hệ thống. Nếu không khớp, người dùng sẽ không được phép truy cập và hệ thống có thể cảnh báo về một cuộc tấn công giả mạo hoặc truy cập trái phép.
Ngoài ra, tất cả các hệ thống sinh trắc học đều sẽ có 3 thành phần cơ bản gồm:
- Một đầu đọc hoặc cảm biến để ghi và quét các hệ số sinh trắc học được sử dụng để nhận dạng.
- Một phần mềm hoặc chương trình chuyển đổi dữ liệu đã ghi hoặc quét thành các định dạng kỹ thuật số và so sánh bất kỳ dữ liệu mới nào với những dữ liệu đã được thu thập, lưu trữ.
- Một cơ sở dữ liệu để lưu trữ các dữ liệu sinh trắc học cho chương trình chạy kiểm tra so sánh.
Có thể bạn quan tâm: Mã OTP là gì? Cách kích hoạt OTP để bảo vệ tài khoản
Bảo mật biometrics gồm những loại nào?
Biometrics được ứng dụng khá rộng rãi trong bảo mật và có thể được chia thành ba nhóm chính:
Sinh trắc học sinh học
Sinh trắc học sinh học (hay Biological biometrics) là phương pháp sử dụng các đặc điểm ở cấp độ di truyền và phân tử để nhận dạng một người. Những đặc trưng này có thể bao gồm các yếu tố như DNA hoặc máu của bạn và có thể được đánh giá thông qua một mẫu chất lỏng của cơ thể bạn.
Mặc dù đem lại độ chính xác và hiệu quả cao, song việc sử dụng phương pháp này cũng gặp nhiều hạn chế và thách thức. Việc thu thập mẫu có thể gây khó khăn cho người dùng, cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm và phải tuân thủ các quy định an toàn. Ngoài ra, việc lưu trữ và bảo mật thông tin về các đặc trưng sinh học của người dùng cũng là một vấn đề quan trọng với nhiều yêu cầu.
Sinh trắc học sinh thái
Sinh trắc học hình thái (hay Morphological biometrics) là phương pháp sử dụng cấu trúc của cơ thể người dùng để xác định danh tính.
Những đặc trưng vật lý của cơ thể như dấu vân tay, hình dạng khuôn mặt, mống mắt, mô hình mạch máu võng mạc, vân tĩnh mạch và các đặc điểm khác có thể được sử dụng để tạo ra bản đồ dấu vân tay, ảnh khuôn mặt hoặc các thông tin khác và được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu nhận dạng.
Khi cần thiết, những thông tin này có thể được đối chiếu với các mẫu được thu thập từ người dùng để xác định danh tính của họ. Phương pháp nhận dạng hình thái được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực an ninh và quản lý truy cập, chẳng hạn như trong sân bay, tòa nhà văn phòng, hay các cơ quan chính phủ.
Sinh trắc học hành vi
Sinh trắc học hành vi (hay Behavioral biometrics) là phương pháp sử dụng các mẫu duy nhất về thói quen, hành vi của mỗi cá nhân để xác định danh tính. Các đặc trưng này có thể bao gồm cách đi, cách nói chuyện, cách gõ bàn phím, chữ viết tay hay các hành vi khác. Điều đặc biệt là các mẫu này là duy nhất cho mỗi người và không thể bị đánh lừa bởi một kẻ giả mạo.
Ví dụ, khi bạn gõ bàn phím, thì tốc độ gõ, cách gõ và thời gian giữa các phím có thể định danh được bạn. Tương tự, cách đi của bạn, thái độ khi nói chuyện và các hành vi khác cũng có thể được theo dõi để xác định danh tính của bạn.
Các hệ thống sử dụng phương pháp sinh trắc học hành vi sẽ có các cảm biến với công nghệ nhân tạo để theo dõi và xác định những đặc điểm này trước khi cung cấp quyền truy cập cho người dùng.
Mặc dù việc sử dụng nhận dạng sinh trắc học hành vi có nhiều lợi ích như độ chính xác cao và không yêu cầu sự can thiệp của người dùng, tuy nhiên, cũng cần phải quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin. Chẳng hạn, các hành vi của người dùng được thu thập phải được bảo vệ để đảm bảo tính riêng tư của họ.
Ứng dụng của biometric trong bảo mật
Sinh trắc học vân tay (Fingerprint Scanning)
Sinh trắc vân tay hoặc mở khoá bằng vân tay (Fingerprint Scanning) là phương pháp nhận dạng sinh trắc học dựa trên các đặc trưng vân tay của con người. Phương pháp này sẽ sử dụng các đường vân tay trên ngón tay để phân biệt và xác thực danh tính của người đó.
Cụ thể, khi một người đăng ký vào hệ thống, vân tay của người đó sẽ được quét và tạo ra một bản mẫu vân tay đăng ký. Khi người đó cần xác thực danh tính của mình để truy cập vào hệ thống, hệ thống sẽ quét vân tay của người đó và so sánh với bản mẫu đăng ký trước đó để xác thực danh tính của người đó.
Tương tự như nhận dạng bằng giọng nói, mở khoá bằng vân tay cũng được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng bảo mật, chẳng hạn như xác thực tài khoản ngân hàng, mở khóa điện thoại hoặc máy tính hoặc kiểm soát truy cập vào các khu vực an ninh.
Ưu điểm của công nghệ này là độ chính xác cao và khó có thể giả mạo, tuy nhiên nhược điểm của nó là có thể bị ảnh hưởng bởi vết trầy xước, mồ hôi hay bụi bẩn trên vân tay.
Nhận dạng giọng nói
Nhận dạng giọng nói (hay Voice Recognition) là phương pháp nhận dạng sinh trắc học dựa trên giọng nói của con người. Cụ thể, khi một người nói chuyện, giọng nói của họ sẽ được ghi âm và tiến hành xử lý để trích xuất các đặc trưng như tốc độ nói, âm sắc, độ cao, dải tần số, độ ồn,…. Các đặc trưng này sau đó được so sánh với dữ liệu đăng ký trước đó để xác thực danh tính của người nói.
Nhận dạng giọng nói được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng bảo mật, chẳng hạn như xác thực tài khoản ngân hàng, xác thực vào các thiết bị di động hoặc kiểm soát truy cập vào các khu vực an ninh. Tuy nhiên, nhược điểm của công nghệ này là khả năng bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh như tiếng ồn hay tiếng cười nên đòi hỏi độ chính xác của hệ thống phải được cải thiện để tránh những sai sót không đáng có.
Nhận dạng khuôn mặt
Nhận dạng khuôn mặt (hay Facial Recognition) là phương pháp nhận dạng sinh trắc học dựa trên các đặc trưng của khuôn mặt con người. Phương pháp này sẽ sử dụng các đặc trưng của khuôn mặt của một người để phân biệt và xác thực danh tính của người đó.
Chẳng hạn, khi một người đăng ký vào hệ thống, hình ảnh khuôn mặt của người đó sẽ được chụp và tiến hành xử lý để trích xuất các đặc trưng như kích thước của mắt, mũi, miệng, và hình dạng của khuôn mặt. Sau đó các đặc trưng này được so sánh với dữ liệu đăng ký trước đó để xác thực danh tính của người đó.
Nhận dạng khuôn mặt được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng bảo mật, chẳng hạn như kiểm soát truy cập vào các khu vực an ninh, theo dõi hoạt động của nhân viên trong doanh nghiệp hoặc xác thực danh tính khi đăng nhập vào các thiết bị điện tử.
Ưu điểm của công nghệ này là khả năng nhận diện nhanh chóng và không đòi hỏi người dùng phải tiếp xúc trực tiếp với thiết bị nhận dạng. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là khả năng bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, góc chụp và trang phục mà người đó đang mặc.
Nhận dạng mống mắt
Nhận dạng mống mắt (hay Iris Recognition) là phương pháp nhận dạng sinh trắc học dựa trên các đặc trưng của mống mắt con người.
Cụ thể, khi một người đăng ký vào hệ thống, hình ảnh của mống mắt của người đó sẽ được quét và tạo ra một bản mẫu đăng ký. Khi người đó cần xác thực danh tính của mình để truy cập vào hệ thống, hệ thống sẽ quét mống mắt của người đó và so sánh với bản mẫu đăng ký trước đó để xác thực danh tính của người đó.
Nhận dạng mống mắt được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng bảo mật như kiểm soát truy cập vào các khu vực an ninh, đăng nhập vào các thiết bị điện tử, hoặc xác thực danh tính cho các giao dịch ngân hàng.
Ưu điểm của công nghệ này là độ chính xác cao và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như ánh sáng hay góc chụp, tuy nhiên nhược điểm của nó là khả năng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về sức khỏe của mắt như bệnh lý hoặc chấn thương mắt.
Cảm biến nhịp tim
Cảm biến nhịp tim (hay Heart-Rate Sensors) là phương pháp sử dụng dữ liệu nhịp tim của người dùng để xác thực danh tính hoặc đối chiếu với dữ liệu đăng ký trước đó. Các cảm biến nhịp tim có thể được tích hợp trong các thiết bị đeo tay thông minh, đồng hồ hoặc điện thoại di động để thu thập dữ liệu nhịp tim của người dùng.
Khi người dùng cần xác thực danh tính của mình, hệ thống sẽ yêu cầu người dùng đo nhịp tim bằng cách đặt ngón tay lên cảm biến nhịp tim trên thiết bị. Dữ liệu nhịp tim này sau đó sẽ được so sánh với dữ liệu đăng ký trước đó để xác thực danh tính.
Heart-Rate Sensors được sử dụng rộng rãi trong việc đăng nhập vào các thiết bị điện tử hay xác thực danh tính trong các giao dịch ngân hàng. Ưu điểm của công nghệ này là khả năng tiện lợi và dễ sử dụng, tuy nhiên nhược điểm của nó là khả năng bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe của người dùng.
Tiềm năng và các vấn đề của biometric
Phải khẳng định lại một lần nữa rằng biometric đang là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh chóng với nhiều tiềm năng. Không những thắt chặt bảo mật và đem đến sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng trong việc xác thực danh tính, biometric còn có khả năng tích hợp vượt trội trên các thiết bị thông minh.
Tuy nhiên, công nghệ tiên tiến này cũng là mối quan ngại lớn trong các vấn đề về quyền riêng tư, độ chính xác không hoàn hảo và giá thành. Biometric có thể xảy ra lỗi nhận dạng khi dữ liệu đăng ký không tương ứng với dữ liệu thực tế.
Bên cạnh đó, yêu cầu về việc thu thập và lưu trữ các dữ liệu sinh trắc học của người dùng cũng đặt ra một số vấn đề về riêng tư và bảo mật dữ liệu. Và các công nghệ nhận dạng sinh trắc học có thể có giá thành cao hơn so với các phương pháp xác thực danh tính khác, đặc biệt là các công nghệ mới như Facial Recognition hay Iris Recognition.
Nội dung liên quan: 10 Cách Bảo Mật Thông Tin Cá Nhân Hiệu Quả Trên Môi Trường Mạng
Locker đã sử dụng biometric để bảo vệ dữ liệu của bạn như thế nào?
Bảo mật luôn là tôn chỉ hoạt động hàng đầu của Locker, vì vậy để bảo vệ thông tin đăng nhập và dữ liệu cá nhân của người dùng, Locker đã kết hợp các hệ thống sinh trắc học tích hợp như Touch ID và Face ID để thay thế nhu cầu về mật khẩu chính trong một số trường hợp nhất định.
Qua đó không chỉ cung cấp thêm một lớp bảo mật mạnh mẽ cho tài khoản của người dùng mà còn giúp trải nghiệm dùng của bạn thuận tiện hơn. Bạn sẽ không còn cần phải ghi nhớ các mật khẩu dài và phức tạp nữa, vì các đặc điểm sinh học độc đáo của bạn sẽ đóng vai trò là chìa khóa cho dữ liệu nhạy cảm của bạn. Với Locker, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi biết rằng dữ liệu của mình luôn được an toàn và bảo mật trong khi tận hưởng sự tiện lợi của việc xác thực nhanh chóng và tự động.
Tải xuống Trình quản lý mật khẩu Locker ngay để tận dụng tính năng bảo mật sáng tạo và thú vị này trong cuộc sống số của bạn!